Sinh lý bệnh:

Túi thừa đại tràng là hiện tượng di trú tuyến chế nhày vào trong thành đường tiêu hóa (lớp cơ trơn) dẫn tới hình thành các túi chứa nhày nhỏ trong thành ống tiêu hóa. Có thể gặp ở bất cứ vị trí nào tuy nhiên thường gặp hơn ở đại tràng, đặc biệt là đại tràng sigma hoặc manh tràng. Bệnh túi thừa đại tràng được định nghĩa là có một hoặc nhiều túi thừa, không có biểu hiện viêm ở thành đại tràng. Bệnh túi thừa thường không rõ nguyên nhân, tuy nhiên có liên quan tới những người ăn ít chất xơ, béo phì, táo bón.

Bệnh viêm túi thừa đại tràng được định nghĩa là có một hoặc nhiều túi thừa viêm. Phân hoặc các loại thức ăn không tiêu hóa gây bít tắc kích hoạt quá trình viêm.

Giả thuyết khác cho rằng do tăng áp lực trong đại tràng dẫn tới phân ứ đọng gây viêm và cũng như thủng túi thừa.

Viêm lan rộng ra tổ chức mỡ xung quanh, đôi khi thủng túi thừa dẫn tới hình thành ổ áp xe hoặc viêm phúc mạc.

Trường hợp hiếm có thể hình thành đường rò đại tràng với bàng quang, vòi trứng, tử cung, âm đạo

Hình 1: Đa túi thừa đại tràng.

Dịch tễ

Bệnh đa túi thừa khá thường gặp ở người già (65%), hiếm gặp ở người trẻ (5%)

Bệnh viêm túi thừa đại tràng: khoảng 15-20% các bệnh túi thừa tiến triển thành viêm.

Chủng tộc:

Mỹ thường gặp viêm túi thừa đại tràng sigma, Đông nam Á bao gồm cả người đông nam Á tại Mỹ thường gặp viêm túi thừa manh tràng.

Giới

Nam / Nữ : 1:1

Tuổi

65% các trường hợp có bệnh túi thừa là người cao tuổi

Tuổi trung bình của viêm túi thừa : 60

 

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của viêm túi thừa đại tràng phụ thuộc vào vị trí của túi thừa viêm, mức độ viêm của túi thừa và các biến chứng.

  • Đau hố chậu trái (70% các bệnh nhân)
  • Buồn nôn, nôn
  • Táo bón
  • Ỉa chảy
  • Đầy hơi

 

Biểu hiện theo mức độ nặng của viêm túi thừa nặng:

  • Với viêm túi thừa đơn thuần, đau nhẹ khu trú tại vị trí túi thừa, thường đau tại vị trí hố chậu trái, hoặc hố chậu phải, cần phân biệt với viêm ruột thừa.
  • Với trường hợp áp xe hóa, có biểu hiện khối ấn đau
  • Trường hợp tiến triển viêm phúc mạc có các biểu hiện cảm ứng phúc mạc, phản ứng thành bụng.

 

 

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng dựa trên các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

  • Tăng bạch cầu máu.
  • Điện giải đồ thay đổi với các bệnh nhân có nôn hoặc ỉa chảy.
  • Lưu ý các xét nghiệm chẩn đoán thai (bHCG) để loại trừ chửa ngoài tử cung với các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
  • Chụp Cắt lớp vi tính là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán với độ nhạy và độ đặc hiệu cao trên 97%
  • Các dấu hiệu trên phim chụp CLVT:
  • Nhiều túi thừa của đại tràng sigma hoặc manh tràng.
  • Tăng tỷ trọng do thâm nhiễm viêm tổ chức mỡ quanh túi thừa và đại tràng.
  • Dày thành đại tràng
  • Có thể biến chứng thành khối áp xe cạnh đại tràng.


Điều trị

Với viêm túi thừa đại tràng đơn thuần:

  • Liệu pháp kháng sinh 7-10 ngày
  • Ăn nhẹ cháo sữa, không ăn thức ăn rắn, khó tiêu.

Với viêm túi thừa áp xe hóa: Chọc dẫn lưu áp xe dưới hướng dẫn của CT được chỉ định với áp xe kích thước trên 4cm.

Trường hợp không chọc dẫn lưu được dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính, chỉ định mổ cắt đoạn đại tràng, lấy bỏ ổ áp xe.