I. KĨ THUẬT SINH THIẾT DƯỚI HƯỚNG DẪN XQUANG VÚ

1. Khái niệm

–       Máy chụp Xquang vú số hóa có thể định vị không gian 3 chiều của tổn thương vú nhờ kĩ thuật chụp 3 chiều hoặc nhờ sự phối hợp hình ảnh ở các hướng chụp khác nhau.

–       Bác sĩ lựa chọn vị trí tổn thương, máy có phần mềm sinh thiết tự động, tự xác định vị trí không gian 3 chiều của tổn thương, di chuyển rãnh sinh thiết đến vị trí phù hợp (tương thích với chiều dài của kim sinh thiết và vị trí tổn thương).

–       Bác sĩ đặt kim vào rãnh sinh thiết và đẩy kim đến hết chiều dài của kim, mũi kim sẽ tới đúng vị trí cần sinh thiết.

–       Điểm chọc kim sinh thiết trên da là rất nhỏ khoảng 1-2mm nên thường không để lại sẹo hoặc nếu có cũng rất nhỏ khó nhận biết (nên không ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu kết quả sinh thiết là âm tính)

2. Chỉ định

–       Chỉ định cho các trường hợp có hình ảnh xếp loại BIRADS 4 và 5.

–       Đặc biệt dưới hướng dẫn Xquang vú có thể sinh thiết các tổn thương không sờ thấy trên lâm sàng, không quan sát rõ trên siêu âm, chỉ quan sát thấy trên phim chụp Xquang (các vi vôi hóa).

3. Nhân sự, phương tiện và vật tư tiêu hao

–       Nhân sự:

§  01 bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh

§  02 kĩ thuật viên (01 kĩ thuật viên vận hành máy, 01 kĩ thuật viên phụ thủ thuật).

–       Phương tiện và vật tư tiêu hao:

§  Máy chụp Xquang vú số hóa có phần mềm định vị sinh thiết 3 chiều, có rãnh định vị và đặt kim sinh thiết.

§  Kim sinh thiết phù hợp với kĩ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn của máy Xquang vú

§  Sát khuẩn: cồn 70, betadine, bông, gạc.

§  Gây tê tại chỗ: Lidocain 2% 10ml, xi lanh 10ml.

§  Băng

4. Bệnh án

–       Đầy đủ thông tin biểu hiện lâm sàng tổn thương vú và các bệnh lý phối hợp

–       Hình ảnh Xquang vú và siêu âm vú

–       Xét nghiệm đông máu cơ bản và các xét nghiệm cơ bản khác.

–       Bệnh nhân đồng ý, kí cam kết thực hiện thủ thuật.

5. Quy trình sinh thiết:

–       Kiểm tra bệnh án: kiểm tra hình ảnh Xquang vú, vị trí của tổn thương trên phim chụp Xquang, phân loại BIRADS, kiểm tra các xét nghiệm cơ bản (chú ý đông máu cơ bản).

–       Bệnh nhân được giải thích về quy trình sinh thiết để bệnh nhân hợp tác tốt trong quá trình sinh thiết.

–       Bệnh nhân được đặt tư thế nằm sấp hoặc ngồi quay mặt vào máy chụp Xquang vú (tùy loại máy).

–       Chụp ép khu trú vị trí tổn thương theo hướng thẳng, chếch hoặc nghiêng tùy trường hợp sau cho tổn thương nằm ở giữa lỗ khay ép khu trú.

–       Chụp Xquang tuyến vú với bóng chụp máy quay theo hai hướng khác nhau để định vị tổn thương theo không gian ba chiều.

–       Bác sĩ chọn vị trí cần sinh thiết trên hình ảnh chụp Xquang vú.

–       Xác định vị trí không gian ba chiều của điểm đã chọn sinh thiết (phần mềm sinh thiết tự động).

–       Chọn loại kim sinh thiết, nhập các thông số chiều dài của kim vào phần mềm sinh thiết.

–       Máy tự động di chuyển rãnh sinh thiết vào vị trí phù hợp.

–       Vô khuẩn vú qua lỗ khay ép.

–       Gây tê tại chỗ

–       Đặt kim sinh thiết vào rãnh sinh thiết, đẩy kim qua rãnh sinh thiết vào tuyến vú đến hết chiều dài của kim sinh thiết.

–       Bấm sinh thiết lấy mảnh tổ chức cho vào dung dịch bảo quản.

–       Điều khiển máy tháo khay ép.

–       Băng ép vị trí sinh thiết.

–       Có thể lấy mảnh sinh thiết đặt lên lam kính đặt vào máy chụp khuếch đại kiểm tra manh sinh thiết có chứa vôi hóa nghi ngờ tổn thương hay không.

6. Biến chứng và xử lý biến chứng:

–       Chảy máu tạo thành máu tụ trong vú hoặc trong cơ ngực (ít gặp). Thường máu tụ mức độ ít, tự tiêu. Nếu máu tụ nhiều thì chọc hút máu tụ hoặc mổ lấy máu tụ.

–       Nhiễm trùng sau sinh thiết hiếm gặp. Đối bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao như bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch do dùng thuốc hoặc bị bệnh tự miễn, nên chỉ định uống kháng sinh sau khi sinh thiết.

II. KĨ THUẬT SINH THIẾT DƯỚI HƯỚNG DẪN SIÊU ÂM

1. Khái niệm

–       Siêu âm với lợi thế là phương pháp thăm khám động, thời gian thực, nên có thể hướng dẫn sinh thiết các tổn thương tuyến vú nghi ngờ ác tính.

–       Kỹ thuật freehand là bác sĩ tiến hành sinh thiết dưới hướng dẫn của máy siêu âm với một tay cầm đầu dò và tay còn lại sử dụng kim sinh thiết. Kỹ thuật này không quá khó nhưng đòi hỏi bác sĩ sinh thiết cần có kinh nghiệm nhất định.

–       Các hạch vùng nách nghi ngờ di căn nên sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm.

–       Điểm chọc kim sinh thiết trên da là rất nhỏ khoảng 1-2mm nên thường không để lại sẹo hoặc nếu có cũng rất nhỏ khó nhận biết (nên không ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu kết quả sinh thiết là âm tính)

2. Chỉ định

–       Chỉ định cho các tổn thương có hình ảnh xếp loại BIRADS 4 và 5.

–       Các hạch nách nghi ngờ di căn hoặc các tổn thương tái phát.

–       Các tổn thương dạng nang nghi ngờ ác tính, cần hút dịch trước khi sinh thiết.

3. Nhân sự, phương tiện và vật tư tiêu hao

–       Nhân sự:

§  01 bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh

§  02 kĩ thuật viên (01 kĩ thuật viên vận hành máy, 01 kĩ thuật viên phụ thủ thuật).

–       Phương tiện và vật tư tiêu hao:

§  Máy siêu âm có đầu dò phẳng.

§  Kim sinh thiết phù hợp với kĩ thuật sinh thiết vú dưới hướng dẫn của máy siêu âm

§  Sát khuẩn: cồn 70, betadine, bông, gạc.

§  Gây tê tại chỗ: Lidocain 2% 10ml, xi lanh 10ml.

§  Băng

4. Bệnh án

–       Đầy đủ thông tin biểu hiện lâm sàng tổn thương vú và các bệnh lý phối hợp

–       Hình ảnh Xquang vú và siêu âm vú

–       Xét nghiệm đông máu cơ bản và các xét nghiệm cơ bản khác.

–       Bệnh nhân đồng ý, kí cam kết thực hiện thủ thuật.

5. Quy trình sinh thiết:

–       Kiểm tra bệnh án: kiểm tra hình ảnh Xquang vú, vị trí của tổn thương trên phim chụp Xquang và siêu âm, phân loại BIRADS, kiểm tra các xét nghiệm cơ bản (chú ý đông máu cơ bản).

–       Bệnh nhân được giải thích về quy trình sinh thiết để bệnh nhân hợp tác tốt trong quá trình sinh thiết.

–       Bệnh nhân được đặt tư thế nằm ngửa với vú phải hoặc nằm nghiêng về phía bác sĩ trong một số trường hợp khó.

–       Xác định vị trí tổn thương, xác định đường vào trên các mặt cắt khác nhau và chọn đường vào trên nguyên tắc ngắn nhất, tránh đi qua mạch máu, dây thần kinh (vùng nách), tránh chọc kim vào phổi, màng phổi.

–       Vô khuẩn vùng sinh thiết

–       Gây tê điểm chọc kim tới cách vị trí của tổn thương 1cm, có thể gây tê tổ chức phía nông và phía sâu hơn của tổn thương.

–       Chọn loại kim sinh thiết, chọc kim vào tổn thương cần sinh thiết.

–       Với các tổn thương dạng nang, hút hết dịch trong nang, làm xét nghiệm, sau đó sinh thiết vỏ nang.

–       Sau khi kết thúc sinh thiết, bác sĩ có thể đưa một clip kim loại hoặc kim dây vào vùng sinh thiết, với mục đích chỉ điểm vùng đã sinh thiết cho bác sĩ phẫu thuật sau đó.

–       Bấm sinh thiết lấy mảnh tổ chức cho vào dung dịch bảo quản.

–       Băng ép vị trí sinh thiết.

–       Có thể lấy mảnh sinh thiết đặt lên lam kính đặt vào máy chụp khuếch đại kiểm tra mảnh sinh thiết có chứa vôi hóa nghi ngờ tổn thương hay không.

6. Biến chứng và xử lý biến chứng:

–       Chảy máu tạo thành máu tụ trong vú hoặc trong cơ ngực (ít gặp). Thường máu tụ mức độ ít, tự tiêu. Nếu máu tụ nhiều thì chọc hút máu tụ hoặc mổ lấy máu tụ.

–       Nhiễm trùng sau sinh thiết hiếm gặp. Đối bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao như bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch do dùng thuốc hoặc bị bệnh tự miễn, nên chỉ định uống kháng sinh sau khi sinh thiết.

II. ĐỊNH VỊ KIM DÂY

1. Khái niệm

–       Định vị kim dây là kĩ thuật đặt kim dây vào vị trí tổn thương ngay trước khi phẫu thuật giúp phẫu thuật viên xác định vị trí tổn thương cần cắt bỏ. Kỹ thuật này thường áp dụng với các tổn thương nhỏ và thường tiến hành ngay sau sinh thiết.

–       Kim dây là một sợi dây kim loại nhỏ, được đưa một đầu cố định vào tổn thương, đầu còn lại ở ngoài cơ thể

–       Nguyên tắc: đường tiếp cận tổn thương ngắn nhất, tránh đi xuyên qua các cấu trúc mạch máu, thần kinh.

–       Số lượng mảnh sinh thiết: Bác sĩ có thể tiến hành từ 1 tới nhiều lần, thông thường lấy 3 mảnh  với khối u và 1 mảnh với hạch nghi di căn. Việc lấy nhiều mảnh không ảnh hưởng tới tiên lượng cũng như làm gia tăng biến chứng nếu đúng kỹ thuật.

2. Chỉ định

–       Kĩ thuật này được chỉ định ngay trước khi phẫu thuật các tổn thương  vú không sờ được trên lâm sàng.

–       Bệnh nhân có chỉ định cắt vú bán phần. Nếu phẫu thuật cắt bỏ vú hoàn toàn thì không cần áp dụng kỹ thuật này.

3. Nhân sự, phương tiện và vật tư tiêu hao

–       Nhân sự, phương tiện và vật tư tiêu hao giống với kĩ thuật sinh thiết.

–       Kim sinh thiết được thay bởi kim dây.

4. Các bước thực hiện kĩ thuật định vị kim dây

–       Các bước kĩ thuật giống như sinh thiết tuyến vú nhưng kim sinh thiết được thay bằng kim trong có lõi dây kim loại, đầu dây uốn con hình móc (hookwire). Sau khi kim được cắm vào tổn thương, dây kim loại được giữ lại, kim rút ra, móc của dây kim loại găm vào vùng tổn thương.

–       Sau đó bệnh nhân được phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật cắt vùng tổn thương quanh móc dây đã định vị, mảnh tổ chức được đưa quay lại phòng chụp Xquang ngay, bệnh nhân chưa được đóng vết mổ để chờ kết quả chụp mảnh tổ chức.

–       Hình ảnh chụp mảnh tổ chức đã cắt bỏ được so với hình ảnh tổn vú đã chụp trước phẫu thuật, xem vùng tổn thương đã được lấy hết chưa. Nếu đã hết tổn thương, bác sĩ phẫu thuật đóng vết mổ kết thúc cuộc phẫu thuật, nếu chưa lấy hết tổn thương bác sĩ phẫu thuật tiếp tục cắt tiếp phần chưa lấy hết.