ĐIỀU TRỊ U GAN BẰNG SÓNG CAO TẦN

Radiofrequency Ablation (RFA)

 

Điều trị u gan bằng sóng cao tần là gì?

Đây là một phương pháp kỹ thuật cao, ít xâm lấn dùng để điều trị u gan. Dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp vi tính, máy chụp mạch số hoá xoá nền, bác sĩ can thiệp điện quang sẽ đưa đầu kim phát sóng radio cao tần vào chính giữa khối u gan. Sau đó các tế bào của khối u bị đốt cháy bởi nhiệt lượng thích hợp mà các tế bào gan lành và các tạng xung quanh không bị ảnh hưởng.

Hình minh hoạ quá trình đốt u

Các khối u nào có thể điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần?

Sóng radio cao tần được sử dụng để điều trị các khối u nguyên phát hoặc di căn trong gan:

Khối u nguyên phát hay ung thư tế bào gan

Khối u di căn: có nhiều ung thư có thể di căn đến gan, trong đó hay gặp nhất là di căn từ đại tràng – trực tràng

Phương pháp đốt sóng cao tần được ưu tiên sử dụng để điều trị các khối có kích thước khoảng 3cm. Một số bệnh nhân không thể phẫu thuật do xơ gan chức năng gan không đảm bảo hoặc già yếu, hoặc có bệnh toàn thân nguy cơ cao khi gây mê, phẫu thuật.

 

Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước điều trị đốt sóng cao tần? 

Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết các tiền sử bệnh, các thuốc đang sử dụng, các nguy cơ dị ứng.

Trước khi tiến hành đốt u gan bằng sóng cao tần, bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết như một cuộc phẫu thuật, đặc biệt về chức năng đông máu, chức năng gan thận. Sau đó bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn trước can thiệp khoảng 6 tiếng.

 

Các dụng cụ đốt u gan là gì?

Các phương tiện dẫn đường là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như:

Máy siêu âm, máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ hoặc máy chụp mạch số hoá xoá nền.

Một số dạng kim để chọc và máy phát sóng cao tần.

Kim chọc có hai dạng chính: kim thẳng, đa kim hoặc kim chùm.

a. Kim đơn       b. Đa kim     c. Kim chùm

Quá trình đốt u gan bằng sóng cao tần?

Quá trình được thực hiện trong phòng can thiệp với điều kiện vô trùng.

Bác sĩ can thiệp sẽ tiến hành gây tê, giảm đau dưới da và bao gan hoặc giảm đau bằng thuốc tác dụng toàn thân. Một số ít trường hợp bệnh nhân được gây mê toàn thân.

Dưới sự hướng dẫn của siêu âm hoặc các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác, bác sĩ can thiệp chọc kim vào chính giữa khối u hoặc xung quanh khối u.

Do tác dụng của sóng cao tần, nhu mô xung quanh đầu kim sẽ bị nóng lên và bị phá huỷ, cùng thời gian đó, các mạch máu nhỏ quanh u cũng bị đốt cháy, hạn chế khả năng chảy máu hơn so với các phương pháp khác.  Sau đó các tế bào u sẽ dần thay thế bởi sẹo. Toàn bộ quá trình can thiệp diễn ra trong khoảng 1 đến vài giờ. Nếu không cần điều trị gì thêm, bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường và làm việc sau một vài ngày.

Hình mô tả quá trình phát nhiệt khi đốt

Theo dõi sau đốt u gan bằng sóng cao tần?

Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ được sử dụng để theo dõi khối u đã được đốt, đồng thời phát hiện các khối u mới nếu có. Bệnh nhân được chụp lại sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng….hoặc bất kì khi có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra bệnh nhân được theo dõi và điều trị các bệnh lý chung đã mắc VD xơ gan….

Hình cắt lớp vi tính kiểm tra sau đốt u. Khối u hoại tử không ngấm thuốc cản quang

Lợi ích và nguy cơ?

Sóng radio cao tần có hiệu quả điều trị tốt với các loại u gan nguyên phát và thứ phát không có chỉ định mổ. Tỷ lệ thành công với các u gan nhỏ trên 85%c trường hợp, và hầu như không có biến chứng. Mức độ xâm lấn của phương pháp ít nên thời gian hồi phục nhanh hơn các phương pháp khác do vậy thời gian nằm viện ngắn hơn.

Chi phí chung cho mỗi lần điều trị do đó cũng thấp hơn so với các phương pháp khác. Ngoài ra phương pháp đốt u gan bằng sóng cao tần cũng không để lại sẹo ngoài da.

Tuy nhiên giống như bất kì phương pháp điều trị xâm lấn khác, đốt u gan bằng sóng cao tần cũng có thể có gặp một số biến chứng như nhiễm khuẩn mặc dù tỷ lệ gặp nhỏ hơn 1/1000. Bệnh nhân có thể thấy đau ở vùng gan, vai phải, viêm túi mật, rò mật, tràn dịch màng phổi thậm chí thủng đại tràng do đốt sóng cao tần những u sát với bao gan. Tuy nhiên tỷ lệ này rất hiếm gặp và bác sĩ điện quang can thiệp có thể hạn chế bằng cách gây tràn dịch màng phổi hoặc tràn dịch ổ bụng chủ động trước, nhằm tách xa các tạng lân cận ra khỏi vị trí u. Trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể bị chảy máu trong, khi đó có thể phải chỉ định phẫu thuật.

Bệnh nhân đang có thai cần được test thử thai trước vì tia X có thể gây hại đến thai nhi trong quá trình can thiệp dưới hướng dẫn của máy cắt lớp vi tính. Nếu không thể chờ đợi, bệnh nhân có thai được mặc phương tiện bảo hộ như áo chì, giảm sự phơi nhiễm với tia X đối với thai. Liều phơi nhiễm cũng là không đáng kể và có thể chấp nhận được so với lợi ích của phương pháp điều trị.

 

Hạn chế của phương pháp điều trị u gan bằng sóng cao tần?

Phương pháp này không có hiệu quả với những khối u lớn, do những hạn chế về dụng cụ hiện tại, hy vọng với sự tiến bộ của y học, các dụng cụ sẽ nhanh chóng được đổi mới. Chúng ta cũng không thể nhìn thấy về vi thể các tế bào u, do vậy ung thư có thể tái phát lại với những trường hợp đã có di căn về mặt vi thể mà các phương pháp chẩn đoán hiện tại không thể phát hiện ra được.

Ths. Bs Nguyễn Thái Bình