Tại sao quá tải? có thể thấy rằng, quá tải xảy trước tiên ở các khoa khám bệnh và khoa cấp cứu của các bệnh viện tuyến trên. Nguyên nhân chính là do lượng người đi khám bệnh quá đông. Đa số những bệnh nhân này không có chỉ định nhập viện mà đi khám sức khoẻ (để “xem có bệnh gì không”) hoặc vấn có đề sức khoẻ nhưng không đáng phải nhập viện. Chưa có số liệu cụ thể nhưng tôi chắc số này không dưới 80% số bệnh nhân đi khám và là nguyên nhân chính gây áp lực ở các khoa khám bệnh.

Trở lại nước Pháp, có hai khác biệt dễ thấy nhất của hệ thống y tế nước này với VN là: 1) không có bệnh nhân tự vào thẳng một bệnh viện lớn khám bệnh và 2) không có phân biệt bệnh viện tuyến trên hay tuyến dưới. Thật vậy, ở đây không có chuyện một người dân đến thẳng bệnh viện khám xem “có bị bệnh gì không”, tất cả phải có lịch hẹn trước, và rất hiếm người phải đi vài trăm cây số từ vùng này sang vùng khác để khám bệnh, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Vậy người dân Pháp khi bị bệnh họ đi đâu? Nếu khẩn cấp họ có thể đến khoa cấp cứu của bất kì bệnh viện nào, thường họ chọn bệnh viện gần nhất. Còn không, họ phải đến các bác sĩ gia đình hoặc đến khám các phòng mạch/bệnh viện tư. Bác sĩ gia đình (médecin traitant, medecin généraliste) là đơn vị tiếp nhận đầu tiên của hệ thống phòng và điều trị bệnh ban đầu. Nhiệm vụ của các BSGĐ là quản lý sức khoẻ cho nhóm người mà họ chịu trách nhiệm gồm điều theo dõi sức khoẻ, phòng bệnh và khám bệnh ban đầu những người có vấn đề về sức khoẻ… Các BSGĐ làm việc tại phòng mạch tư của mình mà không có lương, mỗi ca tư vấn được trả 23 Euro, càng nhiều khách hàng thì càng nhiều tiền nên họ phải làm việc rất cẩn thận để giữ khách và có được khách mới. Thu nhập bình quân của các BSGĐ này là 38 000 Euro mỗi năm (số liệu 2013) 1.

Các BSGĐ khi khám bệnh ban đầu thấy nếu cần khám xét chuyên khoa họ sẽ giới thiệu bệnh nhân đến bệnh viện để đặt lịch hẹn khám chuyên sâu như chụp chiếu, nội soi, khám chuyên khoa… Thông thường cuộc hẹn khám tại các bệnh viện sẽ thực hiện sau 2 tuần đến vài tháng. Tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi khám xét nghiệm, sinh thiết chẩn đoán ra bệnh ung thư mất 6 – 8 tháng. Như  vậy ở bệnh viện, tất cả các khoa phòng khám bệnh đều có lịch hẹn từ trước, trừ khoa cấp cứu. Giải quyết được đối tượng thăm khám ban đầu và phòng bệnh nhờ đội ngũ BSGĐ hùng hậu và hệ thống phòng khám tư nhân hoạt động hiệu quả.

Vấn đề phòng bệnh ung thư: có lẽ nguyên nhân phổ biến nhất làm người dân ở các vùng quê đổ lên Hà Nội, Sài Gòn khám bệnh là lo sợ bị ung thư. Ai cũng muốn phát hiện bệnh sớm nhất khi có thể, khám một nơi cho kết quả bình thường không yên tâm phải đi khám lại ở một bệnh viện khác. Như vậy vô tình gây lãng phí tiền của và tăng áp lực bệnh viện. Ở nước Pháp, chương trình sàng lọc phát hiện sớm các loại ung thư đã thành quy chuẩn. Các hướng dẫn về phát hiện sớm ung thư vú, cố tử cung, dạ dày, đại tràng … đều được thực hiện chi tiết. Những ung thư có thể sàng lọc tại nhà như phát hiện máu vi thể trong phân, trong nước tiểu…  bằng các mẫu thử đơn giản thì được gửi đến tận nhà người dân miễn phí. Những ung thư vú, cổ tử cung … thì người dân đều được khám chuyên khoa và được quản lý rất chặt chẽ bởi các BSGĐ.

Điều quan trọng thứ hai để giúp bệnh nhân không dồn về một khu vực là hệ thống bệnh viện không phân tuyến. Không có bệnh viện tuyến trên hay bệnh viện tuyến dưới. Người dân đến khám tại bệnh viện gần nhất, không phải dồn về một nơi để được khám và điều trị. Để có được điều này trước hết phải nhờ vào sự đồng đều về trình độ của các bác sĩ. Trình độ của các bác sĩ Pháp khá đồng đều nên người bệnh hoàn toàn yên tâm khi chọn khám bệnh ở một phòng khám tư hay khám tại bệnh viện.

Trình độ các bác sĩ Pháp khá đồng đều nhờ vào hệ thống đào tạo. Sinh viên Y trên toàn nước Pháp được học một chương trình giống hệt nhau. Sau 6 năm học đại học với cùng một chương trình đào tạo như nhau trong cả nước, tất cả các sinh viên đều trở thành bác sĩ nội trú. Để chọn chuyên ngành học nội trú, các sinh viên phải trải qua một kỳ thi xếp loại quốc gia để xếp loại từ người thứ nhất đến người cuối cùng trong cả nước (examen classant national). Tỷ lệ phân bổ bác sĩ chuyên khoa/ bác sĩ gia đình trong số sinh viên tốt nghiệp là 50-50% hoặc 40-60% tuỳ từng năm. Các BSGĐ trải qua 3 năm Nội trú, các chuyên ngành khác thời gian đào tạo Nội trú từ 4-5 năm…

Như vậy để giảm được quá tải bệnh viện cần giải quyết hai vấn đề chính: 1) xây dựng được đội ngũ BSGĐ và hệ thống y tế tư nhân đủ mạnh; 2) xoá bỏ chênh lệch về trình độ bác sĩ giữa các vùng (xoá bỏ phân tuyến) để tránh tình trạng người bệnh dồn về một vài bệnh viện.

Tôi có nhiều bạn bè làm ở các bệnh viện lớn ở Hà Nội hay Sài Gòn, ai cũng kêu quá tải. Ngược lại, nhiều đồng nghiệp tôi ở tuyến huyện thì ngày đi làm bắt đầu lúc 10h, chiều 3h đã xách vợt đi cầu lông, không có việc làm đồng nghĩa với thu nhập ít.

Vậy có thật bệnh viện tuyến trên muốn ít bệnh nhân? câu trả lời: chưa chắc. Hiện nay, bộ y tế bắt đầu trao quyền tự chủ về tài chính cho nhiều bệnh viện. Tức là nguồn thu từ bệnh nhân sẽ giữ lại để bệnh viện hoạt động và chỉ nộp một phần “thuế” cho Nhà nước. Như vậy bệnh nhân giảm đồng nghĩa với lượng khách hàng giảm và nguồn thu giảm. Thu nhập của nhân viên y tế sẽ giảm một, lãnh đạo giảm 10!

Giải pháp hiện nay của Bộ y tế nhằm giảm tải bệnh viện đều không đạt kết quả như: đưa các bác sĩ tuyến trên về làm việc ở bệnh viện tuyến dưới một thời gian (1 đến vài tháng); xây thêm bệnh viện tuyến trên… Các biện pháp này đều là giải quyết phần ngọn. Hai vấn đề quan gốc rễ thì không thể mình ngành y giải quyết được.

Quy luật tất yếu của xã hội là luôn vận động để đạt đến một trình độ cao hơn. Để thay đổi ngành y cần một thay đổi toàn diện các lĩnh vực khác của toàn xã hội. Câu hỏi đặt ra là khi nào? tôi nghĩ thế hệ chúng ta chưa chắc đã được chứng kiến một cuộc thay đổi “cách mạng”. Vậy nên những người dân bức xúc với quá tải bệnh viện, những đồng nghiệp của tôi ngày ngày oán thán phải làm việc quá sức xin hay làm tốt nhất công việc của mình và suy nghĩ rộng hơn đâu là nguyên nhân…

 

Tham khảo:

1.http://www.lexpress.fr/actualite/societe/sante/ce-que-gagnent-vraiment-les-medecins_1613994.html

2.http://www.letudiant.fr/metiers/avenir-sante/choix-des-specialites-en-medecine-quest-ce-qui-motive-les-etudiants-17716.html

 

DR NGUYỄN NGỌC CƯƠNG