Tài liệu dành cho bệnh nhân

 

Phì đại tiền liệt tuyến (TLT) chèn ép hẹp niệu đạo gây đái khó và nhiều triệu chứng khác kèm theo. Khoảng 50% nam giới sau tuổi 50 gặp vấn đề này không ít thì nhiều. Những trường hợp điều trị bằng uống thuốc không đỡ cần phải điều trị bằng phẫu thuật hoặc nút tắc động mạch tiền liệt tuyến. Nút động mạch tiền liệt tuyến là phương pháp điều trị mới đã được chứng minh bằng các nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn. Đặc biệt phương pháp này tránh được các biến chứng có thể gặp do phẫu thuật như xuất tinh ngược, rối loạn cương, nước tiểu rỉ không tự chủ, hẹp niệu đạo…

Nút mạch tiền liệt tuyến là gì?

Nút mạch TLT là phương pháp điều trị không phẫu thuật những trường hợp phì đại lành tính TLT bằng cách nút tắc nhánh động mạch nuôi TLT và làm nó teo lại. Nút mạch TLT được chứng minh là hiệu quả ngang với phẫu thuật mà không bao giờ gặp phải các biến chứng có thể xảy ra khi mổ như: xuất tinh ngược vào bàng quang, đái không tự chủ… vì điều trị nút mạch không can thiệp vào đường niệu đạo.

Khi nào điều trị nút mạch?

Khi các thăm khám chứng tỏ bạn có phì đại lành tính TLT gây nên triệu chứng tắc nghẽn khi đi tiểu. Đầu tiên bạn nên được điều trị bằng uống thuốc. Khi uống thuốc vẫn không làm giảm triệu chứng thì phương pháp điều trị trước đây thường là phẫu thuật cắt TLT qua nội soi. Đến nay, bạn còn một lựa chọn nữa là điều trị nút mạch.

Ai lựa chọn phương pháp điều trị?

Bác sỹ sẽ tư vấn cho bạn về các phương pháp điều trị phì đại TLT. Việc lựa chọn hoàn toàn phụ thuộc vào bạn nếu bạn không có chống chỉ định đặc biệt cho phương pháp điều trị nào đó.

Ai thực hiện ca can thiệp?

Bác sỹ điện quang can thiệp là người thực hiện thủ thuật. Bác sỹ điện quang là người có kinh nghiệm ứng dụng tia X và quen với việc phiên giải hình ảnh. Nhờ các phương tiện hình ảnh, họ sẽ đưa các ống thông nhỏ luồn đi trong mạch máu vào đến động mạch nuôi TLT vốn rất nhỏ (đường kính khoảng 1 mm) để nút tắc các mạch này mà không ảnh hưởng đến các mạch vào cơ quan xung quanh.

Tôi cần chuẩn bị gì trước điều trị nút mạch?

Bạn cần nhập viện để làm các xét nghiệm cơ bản; các xét nghiệm khẳng định phì đại TLT loại trừ ung thư TLT và bệnh lý khác gây nên hội chứng đường tiểu dưới. Các xét nghiệm về TLT bao gồm xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ TLT và đo niệu động học. Chụp cộng hưởng từ TLT để loại trừ bạn không có khối nghi ngờ ung thư TLT còn đo niệu động học và thăm dò khác để loại trừ bệnh lý ở bàng quang, cổ bàng quang mà các bệnh này cũng gây ra triệu chứng giống phì đại TLT (các bệnh này rất hiếm gặp).

Nếu bạn có tiền sử dị ứng, hãy cho bác sỹ của bạn biết vì trong trường hợp đó, bất cứ tiêm truyền hay can thiệp gì đều có nguy cơ dị ứng thuốc.

Ca can thiệp nút mạch tiến hành thế nào?

Bạn sẽ nằm trên bàn can thiệp với một đường truyền dịch tĩnh mạch ở cẳng tay. Trong quá trình can thiệp, bạn tỉnh hoàn toàn và sẽ không hề cảm thấy đau đớn nhờ thuốc gây tê tại chỗ và dụng cụ rất nhỏ được đưa qua động mạch vùng bẹn. Một ống thông tiểu được đặt vào bàng quang bắt đầu từ thời điểm này. Dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền; lần lượt các ống thông nhỏ được đưa vào đến động mạch nuôi TLT. Khi đã xác định chính xác nguồn mạch cấp máu vào tiền liệt tuyến, một dung dịch có chứa hàng nghìn hạt hình cầu rất nhỏ (cỡ trên dưới 100 micromet) sẽ được bơm qua ống thông để làm tắc các mạch này. Cả hai động mạch nuôi tiền liệt tuyến sẽ được làm tắc bằng cách như vậy. Đường vào nút mạch thường từ bên phải, song một số trường hợp khó có thể đi từ động mạch đùi hai bên. Khi đã nút tắc động mạch vào TLT cả hai bên, tất cả các ống thông được rút ra và động mạch đùi sẽ được băng ép khoảng 8 tiếng.

Can thiệp có đau không?

Bạn sẽ không có cảm giác đau đớn trong can thiệp nhờ vào thuốc gây tê tại chỗ. Sau can thiệp, việc tắc động mạch TLT cũng không gây đau đớn do TLT có rất ít thần kinh cảm giác.

Ca can thiệp kéo dài bao lâu?

Thời gian tiến hành lâu hay nhanh rất khác nhau ở các bệnh nhân và rất khó để đoán trước thời gian can thiệp từ trước. Một số ca can thiệp tiến hành nhanh, khoảng dưới 1 giờ, ca kéo dài thường khoảng 2 giờ. Rất ít ca phải tiến hành đến 3 giờ đồng hồ.

Điều gì xảy ra sau khi nút mạch?

Sau can thiệp, bạn sẽ được đưa về bệnh phòng, không phải nằm ở phòng hồi sức hay hậu phẫu. Ống thông tiểu vẫn duy trì những giờ đầu sau can thiệp. Bạn cần giữ bất động vùng bẹn nơi có băng ép ít nhất 6 tiếng để vết chọc mạch liền hẳn.

Ống thông tiểu sẽ được rút vào sáng hôm sau và bạn có thể ra viện vào buổi trưa cùng ngày. Ngay sau khi can thiệp bạn chỉ cần dùng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn, bạn không phải dùng bất kỳ thuốc điều trị phì đại TLT nào.

Bạn có thể đi làm ngay sau khi ra viện nhưng chúng tôi khuyên bạn nên nghỉ ngơi khoảng 1 tuần trước khi trở lại với công việc.

Tổng thời gian điều trị bao lâu?

Bạn cần 1 ngày để làm các xét nghiệm trước can thiệp (trường hợp bạn đã có đầy đủ các xét nghiệm còn mới thì không cần làm lại). Ca can thiệp nút mạch sẽ thực hiện vào ngày hôm sau. Sau can thiệp, bạn cần ở lại bệnh phòng ít nhất 1 ngày nếu diễn biến bình thường bạn có thể ra viện.

Nguy cơ hoặc biến chứng của can thiệp là gì?

Nút mạch TLT là phương pháp điều trị mới trên thế giới. Với các nghiên cứu đều cho thấy đây là phương pháp an toàn. Các dấu hiệu sau can thiệp có thể gặp:

o       Đái máu, đái buốt: có thể gặp sau can thiệp nhưng sẽ tự hết sau 48 tiếng không cần điều trị gì

o       Tụ máu vùng bẹn: đau tức và sưng chỗ chọc mạch ở đùi thường sẽ tự hết sau 1 tuần.

o       Nhiễm trùng: sẽ được điều trị bằng kháng sinh.

o       Một số bệnh nhân thấy đau vùng hạ vị, thường đau tức nhẹ

o       Một số ít bệnh nhân có thể thấy bí tiểu trở lại do tiền liệt tuyến bị phù nề làm hẹp niệu đạo -> bạn cần được đặt lại một ống thông tiểu nhỏ hơn và ống thông này sẽ rút sau 24 giờ.

Kết quả của nút động mạch TLT?

Có một số nghiên cứu đã chứng minh kết quả sau nút động mạch TLT. Khoảng 90% bệnh nhân thấy cải thiện triệu chứng đi tiểu rõ ngay sau khi can thiệp song song với giảm thể tích TLT. Có khoảng 10% không thể nút tắc được cả hai nhánh của động mạch TLT do kích thước mạch quá nhỏ.

Ngay cả trường hợp nút tắc được một bên của động mạch TLT cũng được coi là thành công về kỹ thuật vì cũng có thể cải thiện được triệu chứng. Có khoảng dưới 1% không thể nút được nhánh nào của TLL; khi đó bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị phương pháp phẫu thuật truyền thống.

Điều trị nút mạch TLT là phương pháp điều trị an toàn, có thể cải thiện nhanh chóng triệu chứng bí tiểu; phương pháp này rất có thể là một triển vọng trong tương lai, cung cấp cho các bệnh nhân phì đại TLT một lựa chọn để điều trị.

BS NGUYỄN NGỌC CƯƠNG