Ngày 20 tháng 4 năm 2019 vừa qua, Khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân Nam N. A. D, 10 tuổi, hiện đang học tiểu học tại 1 trường ở Hà Nội đến viện với lý do vết thương vùng mông phải – cạnh ống hậu môn do một vật dụng rất quen thuộc đối với một học sinh đó là bút chì.

Bệnh nhân kể rằng, tại nạn xảy ra trong giờ ra chơi khi cậu đang đứng dậy thì bạn cùng lớp đã trêu đùa, dùng cây bút chì dựng lên vị trí ghế ngồi. Khi đó bệnh nhân không quan sát đó và ngồi xuống nhanh nên không may bị bút chì đâm dính chặt vào mông phải, chảy máu. Sau đó bệnh nhân được y tế trường băng bó và gọi taxi đưa vào bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Hình ảnh bệnh nhân khi đến viện

Tại khoa cấp cứu – BV Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân đã được các bác sỹ khám và chẩn đoán là vết thương xuyên mông trái do bút chì.

Bệnh nhân được chụp CLVT ổ bụng – tiểu khung để chẩn đoán toàn trạng mức độ tổn thương phía trong.

Hình ảnh CLVT tái tạo theo mặt phẳng cắt ngang thấy bút chì (gồm phần tăng tỷ trọng của ruột bút chì và phần giảm tỷ trọng của gỗ) đâm xuyên qua da vùng mông và sát ống hậu môn, lan qua cơ nâng hậu môn, chạm vào thành phải bàng quang.

Hình ảnh CLVT tái tạo theo mặt phẳng đứng dọc thấy bút chì (gồm phần tăng tỷ trọng của ruột bút chì và phần giảm tỷ trọng của gỗ) đâm xuyên qua da và sát ống hậu môn, lan qua cơ nâng hậu môn, chạm vào thành sau bàng quang.

Trên đây là hình ảnh chụp CLVT của bệnh nhân cho thấy: Hình ảnh cản quang đâm xuyên vùng mông phải cạnh ống hậu môn, lan qua cơ nâng hậu môn, đầu nhọn bút chì chạm vào thành bàng quang nhưng chưa đâm xuyên qua bàng quang, không thấy tổn thương ống hậu môn và tiền liệt tuyến.

Sau đó bệnh nhân được các BS khoa Ngoại – BV ĐH Y Hà Nội nội soi bàng quang và ghi nhận chưa thấy tổn thương mặt trong thành bàng quang.

Hình ảnh nội soi chưa thấy tổn thương mặt trong thành bàng quang

Hình ảnh bút chì sau khi được rút khỏi bệnh nhân

Bệnh nhân đã được các Bác sỹ rút dị vật và rửa sạch vết thương. Hiện cháu vẫn đang được điều trị tiêm kháng sinh và theo dõi tại khoa Ngoại – Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nôi.

Qua trường hợp như thế này, chúng tôi khuyến cáo tới các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo nên khuyên và giáo dục cáccháu không nên chơi đùa với các vật sắc nhọn, nhọn mặc dù vật đó có thể không phải làm bằng kim loại, đặc biệt là trò đùa thường được các cháu học sinh chơi nhưng rất nguy hiểm là đặt bút trên ghế để bạn không biết ngồi lên.