Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị thành công bệnh nhân rò dưỡng chấp bằng phương pháp can thiệp qua da.

Giới thiệu ca lâm sàng: bệnh nhân nam, 73 tuổi, sau mổ ung thư thực quản 1 tuần, bắt đầu giai đoạn hồi phục thì xuất hiện tràn dịch màng phổi theo ống dẫn lưu. Dịch màng phổi chảy ra đặc và có màu trắng như sữa. Các chức năng cơ bản của bệnh nhân bình thường, bệnh nhân đã có thể tự đi lại và sinh hoạt tuy nhiên dịch màng phổi ra khoảng 2 lít một ngày. Các bác sĩ nhận định đây là biến chứng hiếm gặp sau mổ ung thư vùng ngực nói chung và ung thư thực quản nói riêng do tổn thương vào ống dẫn lưu bạch huyết chính ở vùng ngực. Biến chứng này trước đây là một nỗi “ác mộng” của các bác sĩ ngoại khoa do hàng ngày phải chứng kiến bệnh nhân rò hàng lít dịch và thể trạng bệnh nhân suy kiệt dần đi đến khi chết mà không làm được gì. Mổ để tìm chỗ dò gần như là bất khả thi.

Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng suy kiệt do mất dịch và suy dinh dưỡng. Dẫn lưu màng phổi lúc đó đã đến tuần thứ 3 với số lượng khoảng 2 lít một tuần. Nhờ những tiến bộ mới của y học mới chỉ phát triển vài năm gần đây, các bác sĩ điện quang can thiệp của khoa Chẩn đoán hình ảnh đã quyết định chụp hiện hình hệ thống bạch huyết của bệnh nhân. Một kim rất nhỏ được tiêm vào hạch bạch huyết nằm dưới da vùng bẹn để bơm chất cản quang vào hạch sau đó, thuốc cản quang này sẽ đi lên theo tuần hoàn bạch huyết. Khi thuốc cản quang hiện hình hệ thống bạch huyết, các bác sĩ phát hiện một điểm rò nằm ở vùng ngực chảy dịch bạch huyết vào khoang màng phổi phải.

Khi phát hiện điểm rò, các bác sĩ quyết định nút điểm rò bằng một kim nhỏ chọc vào vùng bụng. Đây là một kỹ thuật rất khó đòi hỏi phải kinh nghiệm trong lĩnh vực điện quang can thiệp do ống bạch huyết có đường kính khoảng 1.5 – 2 mm nằm sâu sát cột sống và nằm kẹt vào giữa động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ bụng, phía trước ống bạch huyết là ruột, mạch máu, mạc treo… Đáng chú ý, ca can thiệp chỉ thực hiện bằng gây tê tại chỗ do thể trạng bệnh nhân quá yếu, không thể gây mê được. Sau can thiệp nút tắc điểm rò bằng vòng xoắn kim loại và keo sinh học 24 giờ, dẫn lưu dịch giảm còn khoảng 50 ml, theo dõi đến ngày thứ 3 dẫn lưu dịch không ra thêm. Bệnh nhân được cho ăn qua đường ruột và dẫn lưu rút sau 4 ngày. Sau một thời gian theo dõi, bệnh nhân xuất viện an toàn.

Rò dưỡng chấp sau mổ rất hiếm gặp nhưng là nỗi “ác mộng” của các bác sĩ phẫu thuật vì khi mổ lại tỷ lệ thành công rất thấp với nguy cơ tai biến cao, nhưng nếu không được điều trị bệnh nhân sẽ mất dịch và mất chất dinh dưỡng dẫn đến suy kiệt nhanh chóng. Trên thế giới, kỹ thuật can thiệp bạch mạch cũng mới được áp dụng vài năm gần đây nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ.

PGS.TS. Phạm Đức Huấn, Giám đốc bệnh viện Đại học y Hà Nội cho biết: điều trị rò bạch huyết bằng can thiệp qua da là một tiến bộ rất lớn của y học, nó giúp cho một bệnh được coi là “nan y” trong y học trước kia thì nay đã có thể điều trị thành công với can thiệp tối thiểu. Kỹ thuật này được thực hiện tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội góp phần vào xu hướng phát triển chung của y học cả nước, đóng góp vào công cuộc chăm sóc sức khỏe người dân.

Bệnh viện Đại học y Hà Nội là trung tâm đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công về can thiệp rò bạch mạch.

Theo Bs Nguyễn Ngọc Cương, người trực tiếp thực hiện ca can thiệp bạch mạch cho biết, đây là bệnh nhân thứ hai trong vòng một năm qua bị rò bạch mạch được điều trị thành công bằng can thiệp tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Một kim nhỏ chọc vào từ bụng để tiếp cận bể dưỡng chấp

Dịch chảy ra từ dẫn lưu màng phổi mỗi ngày khoảng 2 lít có màu vàng, để lâu có lớp dịch màu trắng lắng xuống đáy chai