Trong năm vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành can thiệp tán sỏi mật qua da cho nhiều bệnh nhân. Đây là phương pháp điều trị can thiệp tối thiểu có tính an toàn và hiệu quả cao, do ít xâm phạm, thời gian hồi phục nhanh do không cần phẫu thuật và gây mê. Trung bình, bệnh nhân được ra viện trong vòng 7 ngày. Trong thời gian nằm viện, các bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường nên khâu chăm sóc khá đơn giản.

Bệnh nhân Nguyễn Văn X, 24 tuổi, vào viện  vì đau bụng, sốt. Các bác sĩ đã quyết định làm các thăm dò siêu âm, xét nghiệm máu và chụp cộng hưởng từ. Kết luận bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ. 

Bệnh nhân được chỉ định tán sỏi mật qua da nhằm bảo tồn tối đa cơ thắt Oddi cũng như giúp bệnh nhân phục hồi nhanh để có thể nhập học. Sau khi thực hiện tán sỏi, bệnh nhân được theo dõi 3 ngày và xuất viện trong tình trạng khoẻ mạnh hoàn toàn.

Hình ảnh can thiệp

Hình ảnh sỏi ống mật chủ trước và sau tán qua da

Sỏi mật vụn sau tán và sẹo trên da bệnh nhân sau tán sỏi 1 tháng

Các sỏi đường mật trong và ngoài gan có thể lấy được khá triệt để vì dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hoá xoá nền, cây đường mật hiện hình toàn bộ khi bơm thuốc cản quang, giúp định hướng đưa dụng cụ đến vị trí sỏi để can thiệp.
Do sỏi mật khá mềm nên với các sỏi lớn có thể cắt nhỏ bằng rọ lấy sỏi sau đó lấy qua cổng hoặc đẩy xuống tá tràng. Tỷ lệ gặp các sỏi cứng không cắt nhỏ được là khá hiếm, những trường hợp đó cần sử dụng laser hỗ trợ.

Phương pháp sử dụng bóng nong cơ thắt Oddi hoặc vị trí đường mật bị hẹp được các tác giả áp dụng với tỷ lệ thành công cao. Trong các bệnh nhân của chúng tôi, hầu hết các trường hợp đoạn thấp ống mật chủ hoặc miệng nối mật ruột bị hẹp khá nặng.

Với các bệnh nhân đang trong tình trạng nhiễm khuẩn đường mật, việc đặt sonde dẫn lưu được coi như là phương pháp giải quyết tắc mật tạm thời rất hữu hiệu và có tính xâm lấn tối thiểu, nhằm giúp bệnh nhân tránh nguy cơ sốc nhiễm trùng đường mật – một biến chứng rất nguy hiểm của sỏi mật.

Các tác giả trên thế giới đều nhận xét đây là một kỹ thuật an toàn, ít biến chứng, chủ yếu là các biến chứng nhẹ. Ưu điểm của phương pháp là bệnh nhân có thể tránh được một cuộc phẫu thuật và gây mê, do đó thời gian nằm viện sẽ ngắn hơn, hạn chế được các biến chứng hậu phẫu đồng thời giảm được chi phí cho bệnh nhân.

Phương pháp này vẫn có thể được chỉ định với các trường hợp thất bại sau phẫu thuật hoặc nội soi lấy sỏi. Có thể tiến hành can thiệp đối với các bệnh nhân già yếu, có bệnh lý toàn thân phối hợp hoặc các bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật đường mật (gây dính, khó khăn khi mổ lại) hoặc không can thiệp nội soi được.

Các biến chứng có thể xảy ra sau can thiệp hầu hết là các biến chứng nhẹ và có thể theo dõi, điều trị nội khoa. Một số trường hợp rò mật gây viêm phúc mạc hoặc áp xe lớn không thể dẫn lưu phải chỉ định phẫu thuật. Tỷ lệ gặp tử vong sau can thiệp sỏi mật là rất hiếm, thường trên các bệnh nhân có nền bệnh lý phức tạp.

LỜI KHUYÊN CHO CỘNG ĐỒNG: 

Sỏi mật có thể gây một số các biểu hiện chính sau, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa gan mật ngay khi thấy:

o   Đau tức vùng dưới sườn phải

o   Vàng da

o   Chán ăn

o   Ngứa

o   Sốt

o   Tiểu vàng đặc

o   Phân bạc màu

Trong hầu hết các trường hợp, sỏi mật không có biểu hiện gì đặc biệt, do đó siêu âm bụng khám sức khoẻ định kỳ hàng năm là một thăm khám cận lâm sàng nên làm. Bác sĩ có thể phát hiện được các tổn thương trong ổ bụng, đặc biệt đối với các bệnh lý gan mật thì siêu âm có giá trị khá cao.

Về điều trị, có ba phương pháp chính bao gồm:

– Tán sỏi ngược dòng qua nội soi: Chỉ định với các trường hợp có sỏi đoạn thấp ống mật chủ, sỏi nhỏ và số lượng ít. Các bác sĩ nội soi sẽ thực hiện cắt cơ thắt Oddi ở đoạn cuối của ống mật chủ, sau đó đưa dụng cụ lên đường mật để lấy sỏi. Tuy nhiên phương pháp này không áp dụng được với các trường hợp đã phẫu thuật nối mật ruột.

– Tán sỏi mật qua da: Chỉ định cho các trường hợp có sỏi ống mật chủ, sỏi trong gan, sỏi tái phát, sỏi mật ở các bệnh nhân đã phẫu thuật nối mật ruột, có hẹp đường mật kèm theo, bệnh nhân già yếu hay có bệnh lý toàn thân nặng, đang trong tình trạng sốc (đặt dẫn lưu thì 1)… Trường hợp có quá nhiều sỏi, phương pháp này ít được áp dụng mà nên phẫu thuật.

– Phẫu thuật lấy sỏi: Chỉ định khi bệnh nhân có nhiều sỏi, sỏi đúc khuôn khu trú một phần của gan, sỏi túi mật… Phương pháp này yêu cầu phải gây mê, do đó ít áp dụng cho các bệnh nhân thể trạng kém, già yếu, đang trong tình trạng sốc…, một số trường hợp phẫu thuật nhiều lần có thể gây dính, xơ hẹp đường mật trong gan.

Các phương pháp điều trị đều có những ưu nhược điểm riêng, do đó tuỳ từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất hoặc phối hợp các phương pháp với nhau nhằm mang lại kết quả tối ưu nhất. 

Thạc sĩ. Bác sĩ nội trú Nguyễn Thái Bình

Khoa Chẩn đoán hình ảnh

Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh

Phone: 0988508598