Chảy nước mũi kéo dài thường do nguyên nhân viêm mũi xoang mạn tính hoặc viêm đường hô hấp trên. Triệu chứng chảy mũi thường gây khó chịu cho người bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và công việc. Thông thường, bệnh sẽ hết khi điều trị khỏi các nguyên nhân. Tuy nhiên có những trường hợp chảy nước mũi kéo dài mặc dù đã dùng đủ các loại chống viêm, kháng sinh đường hô hấp. Chúng tôi giới thiệu một trường hợp bệnh nhân chảy nước mũi kéo dài do một bất thường từ tai. Và điều thú vị là bất thường này có thể gặp ở 15 -34% người bình thường nhưng chưa gây triệu chứng (1).

 

Bệnh nhân nữ, 32 tuổi, tiền sử chảy nước mũi tái đi tái lại vài năm nay không kèm theo triệu chứng viêm xoang. Bệnh nhân đã dùng nhiều kháng sinh, nhỏ corticoid tại chỗ nhưng bệnh vẫn tái phát từng đợt. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi. Một đợt cấp, bệnh nhân đi khám và được chỉ định chụp MRI xoang, sọ…

Hình 1. A) xung T2 cắt ngang vùng nền sọ thấy đám tín hiệu dịch vùng xoang chũm bên phải. Lưu ý các cuốn mũi thấy được trên ảnh teo nhỏ do hậu quả của dùng corticoid kéo dài. B) Xung Ciss 3D 0.6 mm qua xương đá thấy đám tín hiệu dịch trắng giống dịch não tuỷ trong xoang chũm phải (mũi tên bên phải). Xin nhấn mạnh, xung Ciss luôn rất “lợi hại” trong cộng hưởng từ xương đá, trường hợp này không ngoại lệ. Dịch xuất hiện trong xoang chũm có thể do viêm tai giữa nhưng không bao giờ tăng tín hiệu bằng dịch não tuỷ. Trường hợp này cần nghĩ ngay đến rò dịch não tuỷ ra xoang chũm. Vì vậy, bệnh nhân được chỉ định chụp CT xương đá ngay sau đó.

Hình 2. Chụp CT xương đá, quả thật có một vùng khuyết xương ở mặt trước xương đá phải (mũi tên) khiến do dịch não tuỷ rò vào các xoang chũm (đầu mũi tên). Dịch này rò vào hòm nhĩ từng đợt và theo vòi tai chảy xuống mũi họng. Hình ảnh khuyết vỏ xương trên có thể gặp sau chấn thương, sau viêm tai giữa cholesteatoma, sau mổ, hoặc bẩm sinh.

Hình 3. Lát tái tạo đứng ngang của xương đá hai bên để so sánh, A) khuyết vỏ xương trần thượng nhĩ ở bên phải. B) vỏ xương bình thường bên trái.

Nhận xét: 

– Trần của hòm nhĩ (Tegmen tympani) là một lá xương rất mỏng giúp ngăn cách não và hòm nhĩ. Khi không có lá xương này thì nhu mô não chỉ cách hòm nhĩ một lớp màng mỏng (màng não cứng). Chỉ một va chạm nhẹ hoặc nhiễm trùng ở tai có thể tổn thương lớp màng này gây chảy dịch não tuỷ hoặc viêm nhiễm lên não.

– Tình trạng khuyết xương này có thể bẩm sinh hoặc mắc phải sau viêm tai giữa cholesteatoma, sau mổ tai, mổ sọ não và nhất là sau khi chấn thương sọ não.

– Hậu quả của khuyết xương trần hòm nhĩ gây nên rò dịch não tuỷ vào hòm nhĩ, chảy nước ở tai (nếu màng nhĩ thủng), chảy xuống vòm (theo vòi tai), gây nghe kém, viêm màng não tái phát nhiều lần, đau đầu hoặc các biến chứng thần kinh khác. Như vậy có thể thấy triệu chứng biểu hiện rất đa dạng.

– Hình ảnh này gặp ở 15- 34% người bình thường chứng tỏ không phải lúc nào khuyết xương trần nhĩ cũng gây bệnh. Tuy nhiên việc phát hiện khuyết xương này rất quang trọng để có thể điều trị dự phòng những trường hợp khuyết xương rộng. Việc phát hiện khuyết xương thường rất dễ dàng nhờ chụp cắt lớp vi tính xương đá. Chẩn đoán thoát dịch não tuỷ nhờ chụp MRI với xung CISS 3D hoặc FIESTA.

– Điều trị bệnh bằng phẫu thuật đặt tấm lót chỗ khuyết xương được chỉ định cho bệnh nhân có biến chứng viêm màng não tái phát nhiều lần, chảy nước tai, mũi… hoặc những trường hợp khuyết xương lớn để phòng ngừa biến chứng.

– Một câu hỏi của người viết bài này không hiểu phẫu thuật đặt prothese khuyết xương của bác sĩ ngoại thần kinh hay bác sĩ Tai Mũi Họng?  😀

 

Tài liệu tham khảo: 1. Chao-Yin Kuo. Int Adv Otol 2014; 10(1): 91-3.

 

DR NGUYỄN NGỌC CƯƠNG