THÔNG TIN CHO NGƯỜI BỆNH

                                                          VỀ PHÌNH ĐỘNG MẠCH NÃO

1.Bệnh lý phình động mạch não

 

 

Phình động mạch não là hiện tượng động mạch não giãn khu trú, tạo thành hình túi hoặc hình thoi. Do tác động bởi huyết áp và  dòng chảy, túi phình hình thành và tăng dần kích thước theo thời gian.

a. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ: Nguyên nhân phình động mạch não chưa được khẳng định chưa rõ ràng. Có nhiều yếu tố nguy cơ  khiến hình thành phình động mạch não: di truyền, tăng huyết áp, nghiện thuốc lá, tiểu đường, béo phì, rượu, tuổi già, hoocmon, nữ mắc nhiều hơn nam …

b.Tai biến vỡ phình động mạch não:

Do túi phình là điểm yếu nhất của động mạch não, có thể vỡ dẫn tới xuất huyết não.

Các dấu hiệu dọa vỡ: đau đầu dữ dội, các dấu hiệu thần kinh khu trú (nhìn đôi, sụp mi…).

Các dấu hiệu phình mạch não vỡ: tùy mức độ chảy máu não, bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau đầu, nôn, cứng gáy, tri giác giảm hoặc hôn mê, yếu, liệt, nguy cơ tử vong cao.   

 

 

2. Các phương pháp điều trị: phẫu thuật và can thiệp nội mạch

a. Phẫu thuật: Là phương pháp sử dụng clip kim loại để kẹp cổ túi phình. Thường áp dụng cho các trường hợp có túi phình nằm ở phần nông gần xương sọ (động mạch não giữa), cổ hẹp.

 

b. Can thiệp nội mạch: là phương pháp áp dụng các tiến bộ của máy chụp mạch số hóa xóa nền 3D và các dụng cụ vi dây dẫn để đưa các vật liệu nút mạch vào điều trị túi phình, không phải mở hộp sọ.

Đường vào từ một điểm chọc động mạch đùi kích thước 2mm. Dụng cụ can thiệp được đưa vào lòng mạch máu lên tới vị trí túi phình động mạch não.

Hầu hết các trường hợp vòng xoắn kim loại (coils) được sử dụng để nút tắc các túi phình có kích thước nhỏ, có hướng thuận lợi, cổ hẹp hoặc các túi phình đã vỡ.

Đây là phương pháp gây tắc túi phình ngay sau can thiệp, không phải sử dụng thuốc chống đông máu kéo dài. Chi phí thấp hơn phương pháp đặt stent đổi hướng dòng chảy nhưng không áp dụng được với các túi phình phức tạp.

Các trường hợp túi phình phức tạp, cổ rộng, kích thước lớn hoặc khổng lồ hay nhiều túi phình, stent đổi hướng dòng chảy – một khung kim loại có mắt lưới đủ dày – được sử dụng để lót mặt trong mạch máu,giảm tốc độ dòng máu đi vào túi phình, dẫn tới hình thành huyết khối gây tắc túi phình một cách tự nhiên. Thời gian can thiệp nhanh nhưng túi phình không tắc ngay tại thời điểm kết thúc can thiệp mà chỉ giảm thiểu nguy cơ vỡ. Sau vài tháng đến 1 năm (tùy thuộc kích thước), huyết khối sẽ hình thành và gây tắc túi phình một cách tự nhiên. Bệnh nhân cần được điều trị chống ngưng tập tiểu cầu trước đặt stent 5 ngày.

3. Các bước chuẩn bị nút mạch

a. Làm đầy đủ các xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ, đánh giá túi phình.

b. Bệnh nhân được bác sĩ giải thích về bệnh lý, phương pháp điều trị, chi phí và các nguy cơ có thể xảy ra.

c. Bệnh nhân nhân nhịn ăn, uống trước thời điểm can thiệp ít nhất 8 tiếng.

d. Dùng kháng sinh dự phòng trước can thiệp 1 ngày.

4. Các bước chính của quá trình can thiệp:

a. Gây mê

b. Mở đường vào động mạch đùi.

c. Chụp mạch não 2D và 3D.

d. Đánh giá túi phình.

e. Nút tắc túi phình bằng vòng xoắn kim loại hoặc đặt stent đổi hướng dòng chảy.

f. Kiểm tra, đánh giá lại.

5. Các biến cố không mong muốn có thể xảy ra

 

Giống như tất cả các phương pháp điều trị xâm lấn khác, quá trình can thiệp nội mạch có thể xảy ra các biến cố sau, từ nhẹ tới nặng và tử vong,

  • Nhiễm khuẩn: vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, gây sốt, áp xe, nhiễm trùng huyết.
  • Vỡ túi phình: túi phình có thể vỡ bất kì thời điểm nào trước, trong can thiệp cho tới khi được nút tắc hoàn toàn bằng vòng xoắn kim loại hoặc 6 tháng – 1 năm sau đặt stent. Trong trường hợp vỡ, bệnh nhân có thể có các biểu hiện như đã nêu trên và có nguy cơ đe dọa tính mạng.
  • Tắc mạch: nếu vật liệu trôi khỏi túi phình, gây tắc mạch não. Tùy mức độ tắc, bệnh nhân có các biểu hiện về thần kinh khác nhau như liệt, giảm, mất ý thức….
  • Một số biến cố khác liên quan đến gây mê, dị ứng thuốc…
  • Một số biến cố khác…

Đây là các biến cố có thể xảy ra tuy nhiên với tỷ lệ rất thấp khoảng <5% theo các tài liệu nước ngoài.

6. Theo dõi sau điều trị

 

 

Bệnh nhân sau can thiệp được hồi tỉnh và theo dõi.

Nếu không có biểu hiện gì đặc biệt, bệnh nhân có thể ra viện sau 3 đến 5 ngày.

Trường hợp túi phình vỡ hay tắc mạch, bệnh nhân cần được điều trị tích cực và tập phục hồi chức năng.

Bệnh phình động mạch não có thể điều trị khỏi hoàn toàn bởi các phương pháp trên. Để có kết quả tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ kiểm tra định kỳ sau 1, 3, 6, 12 tháng tính từ thời điểm can thiệp.

Các bệnh nhân sau đặt stent ĐHDC cần uống thuốc chống đông hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian 1 năm sau can thiệp.

BS Nguyễn Thái Bình

BV Đại Học Y Hà Nội