Đau cột sống cổ là bệnh lý rất thường gặp. Nguyên nhân thường gặp nhất là thoái hóa đĩa đệm, cột sống cổ. Bệnh gây đau dai dẳng vùng cổ, lan xuống vai, tay… rất khó chịu cho người bệnh, gây cản trở sinh hoạt, lao động. Trong số bệnh nhân có triệu chứng, rất ít trường hợp phải mổ, số còn lại cần được điều trị phục hồi chức năng, châm cứu, tiêm giảm đau… Tiêm giảm đau là phương pháp giảm triệu chứng nhanh nhất giúp bệnh nhân trở về cuộc sống hàng ngày và hỗ trợ đắc lực cho các phương pháp điều trị khác. Tiêm phong bế dưới hướng dẫn cắt lớp giúp định vị chính xác đầu kim để tiêm thuốc giúp hạn chế tối đa các tai biến và giúp hiệu quả điều trị đạt cao nhất. Đây là phương pháp tốt nhất trong các loại tiêm phong bế cột sống nói chung và đặc biệt cột sống cổ nói riêng vì các cấu trúc mạch máu thần kinh rất gần quanh cột sống cổ.

Tùy vào triệu chứng lâm sàng, hình thái CT, MRI cột sống cổ có thể định hướng nguyên nhân đau.

Phân loại: Có ba loại tiêm phong bế:

1. Tiêm phong bế quanh rễ

2. Tiêm phong bế ngoài màng cứng

3. Tiêm phong bế khối khớp bên

Nguyên lý: Thoát vị đĩa đệm chèn ép hoặc bệnh lý thoái hóa khớp có liên quan đến phản ứng viêm và các thụ thể thần kinh. Quá trình viêm sẽ đáp ứng với thuốc giảm đau, chống viêm tại chỗ.

Chỉ định: đau kiểu rễ (tiêm phong bế quanh rễ), còn hội chứng cổ vai tay nặng sau mổ giải ép (tiêm ngoài màng cứng), hẹp lỗ tiếp hợp do các nguyên nhân (thoát vị, thoái hóa)…

Biến chứng: Tỷ lệ biến chứng rất thấp do tính an toàn của thủ thuật dưới máy chụp CLVT. Các biến chứng liên quan đến chọc kim vào mạch máu gây tụ máu vùng cổ, nhiễm trùng… 

Tiêm phong bế quanh rễ: kim chọc 22 G được định vị dưới CLVT, lưu ý động mạch đốt sống ngay phía trước mũi kim

Bơm 0,2 ml thuốc cản quang để xác định đường đi của thuốc

Hình thái thuốc cản quang thường gặp: ôm quanh rễ, một phần đi vào khoang ngoài màng cứng tủy. Lưu                               ý, thuốc cản quang ôm quanh rễ thần kinh và quanh phía sau động mạch đốt sống

Kết luận: Điều trị đau do thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ cần phối hợp nhiều chuyên khoa. Trường hợp không có chỉ định mổ hoặc đau tồn dư sau mổ cần điều trị nội khoa, phục hồi chức năng và tiêm phong bế. Tiêm phong bế dưới CT là phương pháp tốt nhất nhờ tính an toàn và chính xác. Cần phải nắm rõ chi phối cảm giác rễ thần kinh để đối chiếu với triệu chứng lâm sàng và tổn thương trên MRI cột sống cổ để lựa chọn chính xác nhất vị trí cần phong bế.

 

DR NGUYỄN NGỌC CƯƠNG