Ung thư vú là một trong những bệnh lý ác tính thường gặp nhất ở nữ giới. Khi có biểu hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn với khả năng chữa khỏi rất thấp. Ung thư vú có thể phát hiện sớm từ khi chưa biểu hiện triệu chứng bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Ở giai đoạn sớm của bệnh, ung thư vú có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Nếu phát hiện sớm ung thư vú, mỗi năm sẽ có rất nhiều phụ nữ được cứu sống. Chính vì vậy, việc sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để thăm khám định kỳ sàng lọc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là rất quan trọng. Bài viết này đề cập đến những phương tiện chẩn đoán hình ảnh dùng trong sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú.

1. Chụp x quang vú (mammography)

Chụp x quang vú là phương tiện dùng trong sàng lọc phát hiện bệnh lý tuyến vú nói chung cũng như ung thư vú nói riêng. Chụp x quang được khuyến cáo cho những phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Nhưng người khỏe mạnh, không có yếu tố nguy cơ nên chụp x quang vú 1 – 2 lần/ năm. Chụp x quang kiểm tra sức khỏe được thực hiện ở hai tư thế thường quy là thẳng trên dưới và tư thế chụp chếch. Khi phát hiện tổn thương có thể chụp thêm các tư thế khác để bộc lộ rõ hơn.

Những thế hệ máy chụp x quang vú hiện nay có liều chiếu xạ khá thấp với liều khoảng 0,1 đến 0,2 Rad một lần chụp. Nhiều người lo lắng về mức độ nhiễm xạ qua các lần chụp x quang vú nhưng những nghiên cứu về phóng xạ đã chứng minh liều chụp x quang vú là an toàn và không hề tăng nguy cơ ung thư vú. Một bệnh nhân ung thư vú phải điều trị tia xạ sẽ nhận một liều xạ khoảng 5000 Rad. Nếu một phụ nữ chụp x quang vú mỗi năm một lần từ sau tuổi 40 liên tục đến năm 90 tuổi, người này sẽ nhận một liều chiếu xạ khoảng 20 – 40 Rad.

Kết quả chụp sẽ thể hiện trên phim chụp và đọc kết quả bởi các bác sỹ chẩn đoán hình ảnh.

Những tổn thương cơ bản trên phim chụp X quang tuyến vú:

                              Vôi hóa: Có hai kiểu vôi hóa chính

  • Vôi hóa lớn: là những nốt vôi hóa thấy rõ trên phim chụp với kích thước đo được. Thông thường những vôi hóa này là kết quả của vôi hóa động mạch, chấn thương hoặc viêm cũ và không ác tính. Vôi hóa lớn khá thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi với tỷ lệ khoảng 50% mà không cần sinh thiết.
  • Vôi hóa nhỏ: là những chấm vôi hóa giống như đầu kim, có thể đứng riêng lẻ hoặc từng đám. Kiểu vôi hóa này đáng ngại hơn vôi hóa lớn vì thường là vôi hóa ác tính. Tuy nhiên để chỉ định sinh thiết cần phải phân tích kỹ các đặc điểm của vôi hóa nhỏ, chỉ với những vôi hóa nhỏ nghi ngờ ung thư mới cần phải sinh thiết.

Khối tăng đậm độ: khối tăng đậm độ trên phim chụp x quang vú có thể đi kèm hoặc không đi kèm vôi hóa. Rất nhiều bất thường đều thể hiện bằng một khối trên phim x quang bao gồm nang vú hay khối đặc lành tính (nhân xơ vú). Nang tuyến vú là thường gặp nhất trong các nốt đậm độ trên phim chụp vú thường quy.

  • Nang tuyến vú: thường là hình tăng đậm độ đồng nhất với bờ viền nhẵn. Nang hoặc u tuyến đều có thể sờ thấy ngoài da và có hình thái gần giống nhau trên phim x quang. Khi đó cần nhờ đến siêu âm để phân biệt hai dạng tổn thương trên.
  • Một khối đặc: thường kèm theo bờ viền thùy múi, không đều. Một số hình thái nghi ngờ trên x quang sẽ cần chỉ định sinh thiết.

Khi đọc kết quả chụp vú, phim chụp x quang cũ là rất quan trọng. Một số nốt tăng đậm độ hoặc vôi hóa nếu không thay đổi so với phim chụp cũ thường là lành tính mà không cần phải sinh thiết.

Những hạn chế của chụp x quang vú

Chụp x quang vú không khẳng định được vùng bất thường trên phim x quang là ung thư hay không. Để khẳng định ung thư vú từ vùng nghi ngờ trên phim chụp x quang cần phải làm sinh thiết.

X quang vú khó tiến hành trên người có vú tạo hình (đặt túi nước, bơm silicon…). Trên bệnh nhân vú tạo hình, việc phiên giải kết quả chụp sẽ khó hơn trên vú bình thường và cần một số tư thế chụp đặc biệt để bộc lộ hết nhu mô tuyến vú.

X quang vú không phải hoàn hảo cho người có tuyến vú dày. Tuyến vú dày tạo thành đám tăng đậm độ trên x quang và có thể che lấp tổn thương vú vốn cũng là vùng tăng đậm độ khu trú. Tuyến vú dày thường gặp ở người có thai, cho con bú hoặc một số phụ nữ trẻ.

Trong những trường hợp khó với x quang nói trên, phương tiện bổ sung cho x quang vú là siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ.

Tuy có một số hạn chế nói trên, chụp x quang vú cũng là đủ để sàng lọc và theo dõi định kỳ cho phụ nữ nếu họ không thuộc nhóm có nguy cơ ung thư vú như yếu tố gia đình có người ung thư vú, người mang gen nguy cơ cao ung thư vú BRCA 1, BRCA 2, bị chiếu xạ liều cao vào vùng ngực từ tuổi trẻ 10 – 30 tuổi, lối sống nguy cơ (hút thuốc lá kéo dài).

Hãy lưu ý rằng chụp x quang vú để sàng lọc và phát hiện những tổn thương sớm ở giai đoạn chưa sờ thấy và chưa có triệu chứng. Nếu bạn sờ thấy khối ở vú hãy gặp bác sỹ để tư vấn hướng xử lý. Có thể cần làm thêm siêu âm vú hoặc sinh thiết trong những trường hợp trên ngay cả phim chụp x quang vú thấy bình thường.

2. Chụp cộng hưởng từ vú

Đối với người có nguy cơ cao ung thư vú, chụp cộng hưởng từ vú nên được tiến hành cùng với chụp x quang vú hàng năm. Đối với những đối tượng khác, chụp cộng hưởng từ vú không phải phương pháp sàng lọc phát hiện ung thư vú, không nhất thiết phải chụp hàng năm như x quang vú. Cộng hưởng từ được chỉ định trong trường hợp cần làm rõ hơn những bất thường thấy trên phim chụp x quang hoặc trường hợp đã phát hiện ung thư vú cần chụp cộng hưởng từ để đo đạc chính xác kích thước khối u cũng như sự xâm lấn của ung thư vú. Chụp cộng hưởng từ có độ phân giải cao hơn nhiều so với chụp x quang, mặt khác, việc tiêm thuốc đối quang sẽ giúp đánh giá khối u được cấp máu nhiều hay ít. Đặc điểm cấp máu của khối u cũng liên quan đến mức độ ác tính của khối u.

Chụp cộng hưởng từ có độ nhạy cao hơn chụp x quang vú nên phát hiện nhiều trường hợp dương tính giả hơn chụp x quang vú. Cũng vì thế cộng hưởng từ không nên áp dụng để sàng lọc cho các đối tượng nguy cơ trung bình vì dễ gặp trường hợp từ đó làm gia tăng số bệnh nhân phải làm thêm các xét nghiệm và thăm khám khác hoặc phải sinh thiết quá nhiều tổn thương không cần thiết gây tốn kém cho cộng đồng.

3. Siêu âm vú

Siêu âm là phương pháp thăm khám phổ biến nhất hiện nay. Siêu âm không dùng tia X và có thể tiến hành nhanh chóng. Tuy nhiên siêu âm không phải một phương pháp dùng để sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú. Siêu âm được chỉ định khi cần làm rõ thêm những bất thường thấy trên phim chụp x quang hoặc bất thường khi khám lâm sàng. Một số nghiên cứu chứng minh rằng, siêu âm là một phương pháp bổ trợ cho x quang trong sàng lọc phát hiện ung thư vú đối với trường hợp tuyến vú dày. Tuy nhiên siêu âm vẫn không thể thay thế được x quang vú khi kiểm tra sức khỏe.

Siêu âm rất có giá trị để xác định nang vú vốn rất thường gặp ở phụ nữ. Nang tuyến vú dễ dàng thấy trên phim chụp x quang cũng như sờ thấy nhưng các phương pháp này không thể khẳng định được nang hay khối đặc. Trong trường hợp này, siêu âm giúp khẳng định nang tuyến vú để tránh phải chứng minh bằng chọc hút nang bằng kim vốn là một phương pháp xâm lấn và phức tạp hơn nhiều.

4. Những test sàng lọc khác

X quang vú là phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú được khuyến cáo hiện nay. Chụp cộng hưởng từ được chỉ định để sàng lọc trên những phụ nữ nguy cơ cao.

Những test sàng lọc khác cũng có giá trị nhưng không được thực hiện thường quy mà chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt gồm: chụp xạ hình tuyến vú, chụp ống tuyến vú, xét nghiệm dịch tiết từ núm vú, hút dịch núm vú. Những xét nghiệm trên được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt ở một vài bệnh nhân cụ thể.

 

Khuyến cáo của tổ chức ung thư Mỹ 2012 trong việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú:  (American Cancer Society. Detailed Guide: Breast Cancer. 2012.

http://www.cancer.org/cancer/breastcancer/detailedguide/breast-cancer-detection)

  • Phụ nữ từ 20-  30 tuổi nên đi khám vú ít nhất 3 năm một lần bởi bác sỹ chuyên khoa.
  • Từ tuổi 40 trở đi, mỗi năm nên đi khám lâm sàng và chụp x quang vú 1 lần chừng nào còn khỏe mạnh.
  • Phụ nữ từ 20 tuổi trở lên nên tự trang bị kỹ năng tự khám vú. Cần phải biết những ưu điểm và hạn chế của phương pháp tự khám vú và đi khám bác sỹ chuyên khoa khi thấy những dấu hiệu nghi ngờ.
  • Chụp cộng hưởng từ có thể coi là biện pháp phối hợp với x quang cho phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao: tiền sử ung thư vú, cùng huyết thống với người ung thư vú, mang gen ung thư vú BRCA 1,2 nhưng không khuyến cáo chụp hàng năm vì lý do chi phí đắt tiền.
  • Siêu âm vú không phải một test sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú.

Ths. BS. Nguyễn Ngọc Cương