Phình mạch não là gì?

Phình mạch não là sự giãn khu trú dạng hình túi hoặc hình thoi của mạch não, phát sinh từ một điểm yếu của thành mạch.

 

Phình mạch não có thường gặp?

Khoảng 1.5  tới 5% dân số có phình mạch não, tương đương khoảng 2 t ới 5 triệu người Việt Nam có phình mạch não, nhưng hầu hết không có biểu hiệu triệu chứng.  Khoảng 0.5 tới 3% số người phình mạch có biểu hiện chảy máu não

Phình mạch não hình thành như thế nào?

Phình mạch não không xuất hiện ở trẻ sơ sinh, hầu hết gặp sau 40 tuổi. Bệnh nguyên do một điểm thành mạch máu não yếu do không có đầy đủ các lớp giải phẫu, dẫn tới phình ra hình túi hoặc hình thoi. Phình mạch não thường gặp tại các điểm phân nhánh của hệ mạch, phát triển lớn lên từ từ. Thành túi phình ngày càng yếu và nguy cơ vỡ tỷ lệ thuận với kích thước túi phình. Phình mạch cũng có thể kết hợp với một số bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp do bất thường gen tổ chức lên kết (trong hội chứng Ehlers Danlos). Khi đó bệnh có tính chất gia đình. Một số yếu tố nguy cơ phình mạch não như cao huyết áp thuốc lá, nghiện rượu, ma túy, nhiễm khuẩn huyết, chấn thương sọ não

 

Các loại phình mạch não?

Kích thước

·   Phình nhỏ: dưới 5 mm

·   Trung bình:  6–15 mm

·   Lớn: 16–25 mm.

·   Khổng lồ: > 25 mm

Hình dạng

·   Hình túi, cổ hẹp

·   Hình túi cổ rộng

·   Hình thoi, không có cổ

Vị trí

Phình mạch não thường gặp ở các nhánh mạch lớn trong sọ não, xung quanh vòng nối Willis, nơi sát với nền sọ và gần những cấu trúc quan trọng và phức tạp của não.

Phương tiện chẩn đoán phình mạch não là gì?

Phình mạch não được xác định dựa vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh: cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, Chụp mạch máu số hóa ngày nay được sử dụng như là phương tiện với mục đích điều trị, tuy nhiên cũng được sử dụng để chẩn đoán với những trường hợp khó

Dựa vào các phương tiện chẩn đoán trên, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể xác định được vị trí, kích thước, hình dạng túi phình, từ đó lên phương án điều trị

 

Số lượng túi phình?

Khoảng 15- 20% người có tiền sử phình mạch não sẽ xuất hiện hoặc có túi phình thứ 2 trong suốt cuộc đời.

 

Triệu chứng của túi phình chưa vỡ?

Những túi phình nhỏ thường không gây triệu chứng, nhưng với những túi phình lớn có thể gây đau đầu kéo dài, hoặc đau khu trú tại vùng có túi phình. Nếu túi phình nằm cạnh những cấu trúc thần kinh quan trọng có thể gây các triệu chứng như mờ mắt, liệu hoặc yếu nửa người, giảm trí nhớ hoặc khả năng nói, hiếm gặp có thể gây động kinh.

 

Phình mạch não vỡ?

Chúng ta không biết được chính xác khi nào túi phình mạch não vỡ. Tuy nhiên một số yếu tố sau có thể gây tăng nguy cơ vỡ của túi phình:

Huyết áp cao, các động tác nâng vác vật nặng gây tăng huyết áp đột ngột.

Các xúc cảm mạnh gây tăng huyết áp

Một số thuốc

Khi túi phình vỡ, máu chảy vào khoang dưới nhện quanh nhu mô não gây ra các triệu chứng đột ngột:

·   đau đầu dữ dội

·   Nôn, buồn nôn

·   Yếu liệt, suy giảm ý thức hoặc hôn mê.

·   Khó nói

·   Co giật.

Điều trị cấp cứu sớm nhất có thể là rất cần thiết để cứu tính mạng bệnh nhân cũng như giảm thiểu các di chứng.

 

Hậu quả của phình mạch não vỡ?

Khoảng 30 đến 40% số người bị vỡ túi phình mạch tử vong (cả được điều trị và không). Khoảng 20 đến 35% để lại di chứng trong số những người được điều trị thành công.

Khoảng 15 đến 20% số người có co thắt mạch não, dẫn tới thiếu máu não. Tim và phổi có thể hoạt động không bình thường dẫn tới rối loạn chung của toàn cơ thể.

 

Nhu mô não bị ảnh hưởng như thế nào?

Sau khi máu thoát ra khỏi thành mạch, một lượng đủ lớn máu quanh não hoặc trong não có thể chèn ép vào nhu mô não (do thể thích hộp sọ không thay đổi) dẫn tới tổn thương không hồi phục. Các trung tâm hô hấp, tim mạch thường nằm quanh vị trí phình mạch, do vậy nếu bị chèn ép sẽ gây hậu quả rối loạn nặng nề.

Khi mạch mão bị co thắt, nhu mô não bị thiếu dinh dưỡng và oxy dẫn tới nhồi máu và hoại tử não.

 

Phương pháp điều trị phình mạch não?

Có hai phương pháp điều trị: mổ kẹp cổ túi phình hoặc điều trị túi phình qua đường nội mạch bằng vòng xoắn kim loại hoặc stent

Phẫu thuật: Bệnh nhân được gây mê, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tiến hành mở hộp sọ bệnh nhân, sau đó tìm và kẹp cổ túi phình bằng clip kim loại

Điều trị túi phình qua đường nội mạch: Dựa vào sự hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa, bác sĩ can thiệp chẩn đoán hình ảnh sẽ tiến hành đưa các dụng cụ siêu nhỏ qua động mạch đùi lên động mạch não  vào túi phình và gây tắc. Dụng cụ đó có thể là các vòng xoắn kim loại hoặc stent (hợp kim titan)

Vòng xoắn kim loại khi được thả vào trong lòng sẽ gây tắc túi phình, lỗ rách sẽ dần được tự sửa chữa theo thời gian bởi lớp nội mạc mạch máu.

Stent kim loại là loại dụng cụ đặc biệt tương tự như đường ống lót bên trong lòng mạch, ngăn cản dòng máu đi vào túi phình, thường được chỉ định với những trường hợp phình cổ rộng, hình thoi, khổng lồ, hoặc ở vị trí khó.

Ưu điểm của phương pháp này là không phải phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn (từ 2 đến 5 ngày), có thể tiến hành với những trường hợp khó. Tuy nhiên chi phí thường cao hơn so với phẫu thuật.

Túi phình chưa cần điều trị ngay: Với những túi phình nhỏ, chưa vỡ, chưa có triệu chứng, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ. Nếu túi phình tăng kích thước, gây triệu chứng hoặc vỡ đột ngột, cần điều trị ngay. Các bệnh lý toàn thân khác đặc biệt là cao huyết áp cũng cần theo dõi và điều trị vì đây là những yếu tố nguy cơ đối với phình mạch. Cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ mạch máu não là hai phương pháp được sử dụng vì không xâm lấn.

Theo dõi sau điều trị?

·   Sau phẫu thuật:  Bệnh nhân cần chụp mạch số hóa lại trước khi xuất viện để chắc chắn túi phình đã tắc hoàn toàn.

·   Sau điều trị bằng đường nội mạch: Không cần chụp lại ngay nhưng sau 1 tháng, 6 tháng bệnh nhân cần được chụp lại (cộng hưởng từ hoặc chụp mạch)

BS  Nguyễn Thái Bình

Khoa Chẩn đoán hình ảnh – BV Đại học Y Hà Nội