GIÃN TĨNH MẠCH MẠNG NHỆN VÀ SUY GIÃN TĨNH MẠCH NÔNG
Giãn tĩnh mạch màng nhện và giãn tĩnh mạch nông là bệnh rất thường gặp, đặc biệt cùng với gia tăng tuổi thọ trung bình của người dân. Khi chúng ta có tuổi, phần đông chúng ta nhận ra những đường chằng chịt màu tím hoặc những mạch màu xanh phình lên ở đùi, cẳng chân, mắt cá trong… Những mạch máu này xuất hiện ở 60% số người lớn.
Giãn tĩnh mạch mạng nhện là các mạch máu nhỏ nằm ngay dưới da có màu đỏ, xanh hoặc tím chạy ngoằn ngoèo hình mạng nhện và không nổi lên bề mặt da. Kích thước các mạch mạng nhện rất nhỏ, thưởng khoảng 1 – 2 mm.
Giãn tĩnh mạch nông là các mạch máu lớn hơn (>2 mm) giãn và nổi gồ lên bề mặt da. Các tĩnh mạch nông này cũng chạy ngoằn ngoèo và dễ dàng nhìn bằng mắt thường.
Cả giãn tĩnh mạch nông và giãn tĩnh mạch mạng nhện có thể gặp ở mọi nơi trong cơ thể nhưng thường gặp nhất ở chân.
ĐIỀU GÌ GÂY NÊN GIÃN TĨNH MẠCH NÔNG/MẠNG NHỆN?
Hệ thống tĩnh mạch bao gồm tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và các nhánh tĩnh mạch xiên nối thông tĩnh mạch nông với tĩnh mạch sâu. Suy van tĩnh mạch nông đa phần bắt nguồn từ tình trạng ứ trệ máu trong tĩnh mạch nông ở một thời điểm nào đó trong đời.
Các tĩnh mạch khoẻ mang máu đến tim thông qua hệ thống các van một chiều. Các van này cho phép máu lưu thông theo đúng hướng từ các tĩnh mạch về tim. Vì một lý do nào đó khiến máu ứ lại tĩnh mạch như: phụ nữ có thai bị chèn ép tĩnh mạch, người đứng lâu ở một tư thế, người có thói quen ít vận động… sẽ làm tang áp lực trong lòng tĩnh mạch. Áp lực tăng làm lòng tĩnh mạch giãn ra khiến cho các van hở và dòng chảy ngược chiều. Dòng chảy ngược chiều càng làm ứ đọng và tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch… Cứ như thế tạo thành vòng xoắn bệnh lý làm bệnh càng nặng hơn.
AI DỄ BỊ GIÃN TĨNH MẠCH NÔNG/MẠNG NHỆN?
Bất cứ ai cũng có thể bị giãn tĩnh mạch mạng nhện/nông, nhưng nữ giới dễ mắc phải gấp hai lần nam giới. Người có thói quen đứng lâu ở một tư thế do yêu cầu nghề nghiệp; người ít vận động, nhân viên văn phòng ngồi nhiều…
TRIỆU CHỨNG CỦA GIÃN TĨNH MẠCH NÔNG/MẠNG NHỆN
Đối với một số người, giãn tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch nông thường gây triệu chứng bệnh lý và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Giãn tĩnh mạch nông nói riêng có thể gây đau hoặc bó cứng ở chân. Khu vực bị ảnh hưởng có thể đau, rát, ngứa, hoặc cảm thấy nặng nề. Một số các tĩnh mạch bị viêm nặng có thể bị đau khi chạm vào và có thể làm giảm lưu thông, dẫn đến ngứa hoặc sưng mắt cá. Chúng cũng có thể gây ra những thay đổi về da và mô mãn tính như sự đổi màu và loét da.
NHỮNG BIẾN CHỨNG CỦA GIÃN TĨNH MẠCH NÔNG/MẠNG NHỆN
Ngoài triệu chứng rối loạn nuôi dưỡng ở chân (đổi màu da, chàm, loét…) bệnh giãn tĩnh mạch có thể hình thành các cục máu đông do dòng chảy chậm bên trong long tĩnh mạch. Cục máu đông có thể nằm tại chỗ gây tắc tĩnh mạch hoặc di chuyển vào tuần hoàn tĩnh mạch có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
CHẨN ĐOÁN GIÃN TĨNH MẠCH MẠCH NÔNG/MẠNG NHỆN
Giãn tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch nông rất dễ chẩn đoán. Thấy các mạch máu giãn ngoằn ngoèo dưới da hoặc các tĩnh mạch chìm dưới da như “mạng nhện”. Tuy nhiên để phát hiện sớm bệnh và để đánh giá nhánh tĩnh mạch nào bị suy giãn thì cần phải siêu âm Doppler tĩnh mạch. Nhờ có siêu âm, bác sĩ có thể biết chính xác mức độ bệnh, mạch máu bị tổn thương, các biến thể giải phẫu nối thông tĩnh mạch nông với tĩnh mạch sâu… và đây cũng là cơ sở để lựa chọn phương pháp điều trị.
ĐIỀU TRỊ
ĐIỀU TRỊ KHÔNG CAN THIỆP
ĐEO BÍT TẤT DÀI
Cách đơn giản nhất để điều trị giãn tĩnh mạch nông hoặc giãn tĩnh mạch mạng nhện là đeo bít tất dài. Những chiếc bít tất với khả năng ép, nén sẽ có thể cải thiện tuần hoàn máu và làm giảm sự không thoải mái ở chân. Bạn có thể tìm mua những chiếc tất kiểu cao tới đầu gối bó sát như vậy ở các cửa hàng bán đồ phẫu thuật hay hiệu thuốc.
THAY ĐỔI LỐI SỐNG
Giảm cân và đi bộ thường xuyên có thể giảm nhẹ những biến chứng của giãn tĩnh mạch mạng nhện và nông. Lưu ý, có một số bài tập để tăng cường khả năng đẩy máu về tim có thể áp dụng cho cả những người đang phải làm việc ở văn phòng hoặc người đang ở tư thế đứng làm việc… Cơ sở của các bài tập luyện trên là vận động các cơ của bàn chân, cẳng chân để đẩy máu về tim.
ĐIỀU TRỊ CAN THIỆP
TIÊM XƠ (SCLEROTHERAPY)
Nếu biện pháp khắc phục tại nhà không mang lại đủ sự cải thiện, có các liệu trình y học để loại bỏ giãn tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch nông. Tiêm xơ có thể điều trị 80% các tĩnh mạch nông và tĩnh mạch mạng nhện. Bác sĩ tiêm một dung dịch trực tiếp vào tĩnh mạch bất thường. Các mạch máu bị phá hủy, trở nên xơ cứng, và cuối cùng biến mất. Liệu trình này yêu cầu trình độ kỹ thuật cao và đào tạo đặc biệt. Cần phải có kinh nghiệm làm siêu âm để đánh giá hết các tuần hoàn phụ, xác định được mạch nào là mạch chính cần điều trị (feeding veins), mạch nào có thể tự mất sau can thiệp.
Lưu ý: các chất tiêm xơ có đặc tính là ăn mòn da cao; việc tiêm nhầm vào các khu vực bên ngoài tĩnh mạch có thể dẫn đến các phản ứng phụ nghiêm trọng trong mô xung quanh tĩnh mạch.
Sau khi điều trị với tiêm xơ, giãn tĩnh mạch mạng nhện biến mất trong vòng từ ba đến sáu tuần, trong khi giãn tĩnh mạch nông có thể mất từ ba đến bốn tháng để phản ứng. Một khi đã biến mất, tĩnh mạch sẽ không xuất hiện trở lại. Nhưng có thể bạn sẽ phát triển giãn tĩnh mạch mạng nhện mới ở vị trí cũ hoặc vị trí khác trên da.
CHIẾU LASER NGOÀI DA
Liệu pháp chiếu laser và xung ánh sáng cường độ mạnh dùng cho các tĩnh mạch mạng nhện nhờ vào tác dụng nhiệt từ bên ngoài. Nhiệt chiếu từ bên ngoài vào làm đông máu trong tĩnh mạch mạng nhện hình thành mô sẹo. và cuối cùng sẽ khép lại tĩnh mạch. Nhược điểm của phương pháp này là tác dụng chậm, có khi phải mất đến vài năm, hiệu quả không cao. Tác dụng phụ có thể bao gồm sự khó chịu nhỏ trong vùng điều trị, sự đổi màu da, và sự hình thành các vẩy.
PHẪU THUẬT LỘT TĨNH MẠCH
Dành cho các tĩnh mạch nông giãn quá lớn. Bác sĩ sẽ rạch da, lấy bỏ toàn bộ các tĩnh mạch giãn trên toàn bộ chiều dài của tĩnh mạch. Nhược điểm của phương pháp này là phải phẫu thuật và để lại sẹo.
Hiện nay sự ra đời của các phương tiện gây tắc trong lòng mạch đã thay thế dần cho phẫu thuật. Phẫu thuật hầu như chỉ áp dụng cho một số bệnh nhân già, mạch giãn quá lớn và không yêu cầu về mặt thẩm mĩ.
ĐIỀU TRỊ GÂY TẮC TRONG LÒNG MẠCH: Laser hoặc sóng cao tần
Gây tắc mạch bằng Laser/sóng cao tần nội mạch là một phương pháp mới cho tĩnh mạch để thay thế cho điều trị phẫu thuật kinh điển. Một dây dẫn nhỏ được luồn vào bên trong tĩnh mạch. Qua dây dẫn này, tác dụng nhiệt của laser hoặc sóng cao tần làm cho lòng mạch bị tắc và xơ lại từ bên trong, ngăn không cho dòng trào ngược tĩnh mạch xuống dưới chân. Điều này sẽ làm cho các tĩnh mạch giãn trở nên xẹp lại. Nghiên cứu đề xuất laser nội mạch hiệu quả 98%. Các bệnh nhân thông báo rằng cách điều trị này hầu như không đau. Bệnh nhân có thể điều trị và ra viện trong cùng ngày. Sau can thiệp vài tiếng có thể vận động và trở lại công việc hàng ngày mà không phải nghỉ việc.
ĐIỀU TRỊ GIÃN TĨNH MẠCH NÔNG VÀ TĨNH MẠCH MẠNG NHỆN Ở BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Được thực hiện bởi các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm làm siêu âm doppler mạch máu sẽ xác định được chính xác tĩnh mạch nào là nguyên nhân của búi giãn mạch và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, việc áp dụng gây tắc trong lòng mạch kết hợp với tiêm xơ có thể điều trị khỏi cho >90% các bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nông và tĩnh mạch mạng nhện. Bệnh nhân được làm can thiệp và ra viện trong ngày. Mọi chi tiết xin liên hệ Bs Trương Thị Thanh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Đại học Y Hà Nội theo số điện thoại 01678737688.